Giới thiệu nghề dạy bơi

Dạy bơi hiện đang là một nghề khá “hot” do nhu cầu tập luyện bơi lội của người dân gia tăng. Tuy vậy, so với các ngành nghề khác, nghề dạy bơi vẫn còn khá mới trên thị trường lao động và có vẻ đang “kén chọn” người tham gia. Nhiều người biết bơi, thậm chí có khả năng bơi tốt, nhưng lại chưa bao giờ nghĩ đến việc dạy bơi. Ở các lĩnh vực khác, khi người ta biết về nó, đam mê về nó, có tố chất về nó thì sẽ tìm kiếm lớp học chuyên sâu để có thể bước vào nghề đó. Còn dạy bơi thì không. Có hai nguyên nhân chủ yếu: một là các lớp dạy nghề này còn ít và còn mang tính lý thuyết chung chung; hai là bản thân người biết bơi chưa hiểu về nghề này để mạnh dạn tham gia hoặc không nghĩ rằng mình có thể dạy bơi.

Day-boi-dang-la-mot-nghe-kha-hot

Trong bài viết này, tôi sẽ dẫn dắt mọi người tìm hiểu sâu về nghề dạy bơi để mọi người có thể xác định nghề này có phù hợp với mình hay không. Theo tôi, muốn nhiều người biết bơi, phải có thêm nhiều người dạy bơi ở các hình thức đào tạo khác nhau.

Thực trạng nghề dạy bơi hiện nay

Ở nước ta, nghề dạy bơi là một nghề không được đào tạo chính quy ở bậc Đại học.

Ngoài xã hội, những người làm nghề dạy bơi thường ở 2 dạng: 1) Người có Giấy chứng nhận hướng dẫn viên (HDV) bơi lội, và 2) Người không có Giấy chứng nhận HDV bơi lội.

Giấy chứng nhận HDV bơi lội thì lại có nhiều loại: của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ở các địa phương cấp, của Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam cấp, của Liên đoàn bơi lội các địa phương cấp; thậm chí có cả giấy chứng nhận của Trung tâm dạy bơi tư nhân cấp!

Người có giấy chứng nhận HDV bơi lội là những người có thể làm việc hoặc cộng tác với các cơ sở thể thao của nhà nước hoặc của tư nhân.

Người không có Giấy chứng nhận HDV bơi lội là những người dạy bơi tự do hoặc hợp tác với những cá nhân khác để hình thành nhóm dạy bơi riêng. Họ cũng có thể chỉ đơn thuần dạy bơi cho bạn bè, người thân hoặc đội nhóm của mình.

Nghề dạy bơi có đặc điểm gì?

Nghề dạy bơi có 5 đặc điểm nổi bật:

  1. Là một công việc cực kỳ hữu ích, đáng làm và không đơn điệu

Dạy bơi là dạy một kỹ năng sống quan trọng có khả năng cứu sống một ai đó vào một lúc nào đó, là một nghề giúp hạn chế đuối nước cho cộng đồng, giúp người học phát triển, học hỏi một kỹ năng mới và trở thành phiên bản tốt nhất của chính họ. Đạo Phật có lời răn “Cứu một mạng người hơn xây 7 tháp phù đồ”. Dạy bơi, với ý nghĩa đóng góp lành mạnh cho xã hội và cá nhân, cũng mang ý nghĩa tốt đẹp như vậy.

Ngoài ra, dạy bơi là một nghề đòi hỏi sự ứng biến linh hoạt: sẽ không có hai ngày giống nhau. Giảng dạy các giai đoạn khác nhau, nhóm tuổi khác nhau, đặc điểm cơ thể khác nhau, tâm lý khác nhau, kiểu bơi khác nhau, bài tập khác nhau, khả năng tiếp thu khác nhau, có thể mang lại cho bạn nhiều vai trò khác nhau. Dạy bơi không đơn điệu như một công việc văn phòng. Hành trình của mỗi người bơi đều khác nhau và bạn phải đối mặt với những thử thách mới và thú vị mỗi ngày.

  1. Là một nghề khá linh hoạt về thời gian

Người học bơi thường chọn lựa khung giờ học tùy vào thời gian trống mà họ có. Thời gian trống của mọi người lại khác nhau, có người là đầu giờ sáng, có người là giấc trưa, có người lại là chiều muộn hoặc buổi tối. Vì vậy, với công việc dạy bơi, giờ làm việc có thể linh hoạt và nhiều người tranh thủ làm việc bán thời gian (nếu có công việc chính) hoặc sẵn sàng “chạy sô” (nếu dạy bơi tự do), miễn sao đáp ứng với nhu cầu đa dạng của người học. Dạy bơi rất linh hoạt và có thể là một công việc lý tưởng cho những người có gia đình, người về hưu, sinh viên và những người cần “nghề tay trái” hoặc cần tạo thu nhập phụ.

  1. Là một nghề mà vấn đề an toàn phải được đặt lên hàng đầu

Do đặc thù môi trường học tập là nước nên sự an toàn đối với người học là nhân tố quan trọng nhất trong mọi tình huống giảng dạy bơi lội.

An-toan-la-van-de-hang-dau-khi-day-boi
  1. Là một nghề chuyên môn nhưng không đòi hỏi bạn phải là VĐV bơi lội chuyên nghiệp

Bạn không cần phải có thành tích thi đấu hoành tráng hay có một kiểu bơi đẹp mắt. Nói cách khác, dạy bơi không phải đặc quyền của VĐV bơi lội chuyên nghiệp và bạn không cần phải là người bơi đẹp để trở thành một người dạy bơi giỏi. Điều quan trọng hơn là bạn có thể minh họa, giải thích và giao tiếp rõ ràng, đồng thời làm cho các bài học trở nên hấp dẫn và thú vị

  1. Là một nghề có thu nhập tốt và cơ hội nghề nghiệp tốt

Dạy bơi thường tính tiền công theo giờ, cao hay thấp phụ thuộc vào trình độ, kinh nghiệm và tiếng tăm của các thầy, cô. Những sinh viên mới ra trường có thể thu 150.000 – 200.000đ/giờ, các HDV bơi lâu năm và có tên tuổi có thể thu 500.000 – 600.000đ/giờ. Mức thu nhập trung bình dao động từ 5 – 7 triệu/tháng (mùa thấp điểm) đến 30 – 50 triệu/tháng (mùa cao điểm). Một số bạn chịu khó “cày sấp mặt” vào mùa hè có thể tạo thu nhập sống được cả năm. Vì vậy, mặc dù nghề dạy bơi chưa thể biến bạn thành một người có cuộc sống xa hoa nhưng so với mức lương tối thiểu của nhiều công việc cơ bản khác (phục vụ quán ăn hay cửa hàng, chẳng hạn) thì bạn sống “rủng rỉnh” hơn.

Nghe-day-boi-co-thu-nhap-tot

Cơ hội nghề nghiệp của người dạy bơi cũng khá tốt. Bạn có thể dạy tư, tự thầu hồ bơi để kinh doanh, dạy cho các CLB bơi lội, dạy cho trường quốc tế, dạy cho các trung tâm dạy bơi, dạy cho trường học, … Nói chung, bạn có thể xin vào làm ở một cơ sở nào đó để dạy ổn định, hoặc tự mình quảng bá tên tuổi trên Facebook và tạo “cơ nghiệp” dạy bơi cho riêng mình!

Hai quan điểm sai lầm về nghề dạy bơi

Sai lầm 1: Nghĩ mình không thể dạy bơi

Đây thường là sai lầm của những người biết bơi phổ thông, có nhu cầu đơn giản là dạy bơi cho người thân, bạn bè và không muốn tham gia các lớp học lấy giấy chứng nhận HDV bơi lội vì thấy không thật sự cần thiết.

Đối với họ, cánh cổng dẫn vào nghề dạy bơi dường như khó vào. Lý do là họ cũng chỉ biết những điều ít ỏi về bơi lội. Họ có một số kỹ năng, một số kinh nghiệm, nhưng không nắm được cách thức truyền đạt, không biết cách nâng đỡ, không biết được hệ thống các bài tập và cũng không biết được quy trình giảng dạy. Họ cũng đã từng chỉ vẽ cho người khác nhưng không hiệu quả và họ xem chuyện dạy bơi là chuyện của “mấy ông chuyên nghiệp”. Thật sự thì không phải như vậy. Họ có thể dạy bơi được nếu họ biết hệ thống lý luận và phương pháp giảng dạy. Nếu bạn cũng thuộc về trường hợp này thì bạn có thể tham khảo thêm khóa học dự kiến của tôi “Biết bơi là có thể dạy bơi” để có thêm động lực học tập và thực hiện những ước mơ đơn giản của mình.

Sai lầm 2: Nghĩ mình không cần học gì cũng dạy bơi được

Đây thường là sai lầm của những VĐV bơi chuyên nghiệp, có kỹ năng bơi tốt; hoặc của những bạn chỉ chú trọng vào khía cạnh “kiếm tiền” của nghề bơi, dạy bơi theo kiểu “thợ dạy” chứ không phải “thầy dạy”.

Khi con người xuống nước, những thói quen trên cạn của họ không phải một sớm một chiều có thể biến đổi nhanh chóng thành những thói quen mới dưới nước được. Để chuyển môi trường hoạt động từ trên bờ xuống dưới nước thì từ cách thở, tư thế đầu cổ, tư thế thân người đến cách bẻ cổ chân, duỗi mũi bàn chân, tăng độ cảm giác nước ở lòng bàn tay … tất cả đều đòi hỏi người dạy bơi phải có một nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc mới có thể từng bước “hô biến” người học bơi thành cá được. Nếu người dạy không được đào tạo bài bản thì họ vẫn có thể dạy cho người khác bơi được trong nước nhưng có thể họ chỉ tạo được một kiểu “phiên bản lỗi” của loài cá: di chuyển chậm chạp, nặng nề và khó nhọc (xem thêm bài viết “Không thầy … tốt, đố mày …bơi tốt!

Nguoi-day-boi-phai-thuong-xuyen-cap-nhat-kien-thuc

Kết luận

Nghề nghiệp nào cũng vậy, phải hiểu nghề, đam mê với nghề mới có thể trở thành người dạy tốt được.

Nghề dạy bơi là một công việc vô cùng bổ ích, dạy một kỹ năng sống cần thiết cho người khác. Ngoài HDV dạy bơi chuyên nghiệp, công việc này cũng phù hợp với sinh viên làm thêm, những người muốn có thêm nghề tay trái, những người muốn làm công việc bán thời gian (part-time job) và cả cho những người chỉ muốn dạy cho người thân, bạn bè để tạo mối quan hệ gắn kết. Nói chung, đó là nghề linh hoạt về thời gian và bạn có thể tìm thấy các cơ hội việc làm phù hợp với thời gian biểu của mình.

Một bí mật nho nhỏ của nghề dạy bơi xin được tiết lộ cho các bạn là hiện nay thị trường đang có nhu cầu cao về giáo viên nữ! Các bạn nữ có nhiều ưu thế trong nghề này đấy.

Giao-vien-day-boi-nu-duoc-ua-chuong

Dạy bơi, nằm trong nhóm ngành dạy kỹ năng, là nhóm việc kiếm tiền bởi “cái đầu” (tri thức), “cái miệng” (kỹ năng giao tiếp, giảng dạy) và “chân tay” (kỹ năng”). Chỉ có cái đầucái miệng (những bạn bơi còn yếu) thì khó minh họa bài tập cho người học, còn chỉ có chân tay mà thiếu cái đầucái miệng (những bạn có kỹ năng bơi tốt nhưng không chịu học hành, cập nhật kiến thức) thì sẽ chỉ dạy theo kinh nghiệm và lối mòn, thiếu hiệu quả.

Mạnh Tử có nói “Cái nguy hiểm nhất của những kẻ tầm thường là thích làm thầy người khác”

Trong nghề dạy bơi, những thầy thiếu kỹ năng và kiến thức thì lại càng nguy hiểm gấp bội vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến niềm đam mê bơi lội và thậm chí là sự an toàn của người học.

Vì vậy, nghề dạy bơi là một nghề đáng để bạn cân nhắc lựa chọn nhưng trước khi bước vào nghề này, hãy hỏi chính mình “Tôi có đủ năng lực và kiến thức để dạy bơi hay không?”. Nếu chưa đủ, bạn phải đầu tư thời gian và công sức để tập luyện và học hỏi thêm.