Mục lục bài viết
Bơi lội có ngôn ngữ riêng của mình. Đây là danh sách thuật ngữ tối thiểu bạn cần biết để bạn đỡ bỡ ngỡ khi lần đầu tiên tiếp xúc với bộ môn này.
Các thuật ngữ về hồ bơi
Bục xuất phát – Starting blocks: Các bục xuất phát được đặt phía sau mỗi làn bơi. Độ sâu nước hồ tối thiểu để sử dụng các bục xuất phát là 1,2 mét. Các bục có nhiều kiểu dáng khác nhau và có thể gắn cố định hoặc có thể tháo rời.
Chiều dài hồ – Course: Chiều dài của hồ bơi được quy định để thi đấu bơi lội. Hồ dài (long course) = 50 mét / Hồ ngắn (short course) = 25 mét.
Dây phao đường bơi – Lane Lines: Các phao nổi nhỏ gắn với dây cáp kéo dài từ đầu đến cuối đường bơi nhằm mục đích phân cách từng làn bơi và ngăn bớt sóng nước do người bơi gây ra.
Đường bơi hay Làn bơi – Lane: Khu vực hồ bơi cụ thể (được giới hạn bởi các dây phao đường bơi) mà một người bơi được chỉ định bơi (ví dụ, làn 1 hoặc làn 2).
Thành hồ – Deck: Khu vực xung quanh hồ bơi. Nó có thể trơn trượt khi ướt, vì vậy hãy nhớ đừng chạy lung tung trên đó!
Các thuật ngữ về kiểu bơi
Kiểu bơi – Stroke: Có 4 kiểu bơi thi đấu: Bơi bướm, Bơi ngửa, Bơi ếch, Bơi tự do.
Bơi bướm – Butterfly: Một trong bốn kiểu bơi thi đấu. Bơi bướm (tên tắt là FLY) là kiểu bơi thứ ba trong tiếp sức hỗn hợp và kiểu bơi đầu tiên trong bơi hỗn hợp cá nhân
Bơi ngửa – Backstroke: Một trong bốn kiểu bơi thi đấu. Bơi ngửa là kiểu bơi đầu tiên trong bơi tiếp sức hỗn hợp và kiểu bơi thứ hai trong bơi hỗn hợp cá nhân.
Bơi ếch – Breaststroke: Một trong bốn kiểu bơi thi đấu. Bơi ếch là kiểu bơi thứ hai trong tiếp sức hỗn hợp và kiểu bơi thứ ba trong bơi hỗn hợp cá nhân
Bơi tự do – Freestyle: Một trong bốn kiểu bơi thi đấu. Bơi tự o (tên tắt là FREE) là kiểu bơi thứ tư trong tiếp sức hỗn hợp và kiểu bơi thứ tư trong bơi hỗn hợp cá nhân
Bơi hỗn hợp (Individual Medley – IM): IM giống một nội dung thi đấu hơn là một kiểu bơi. Các vận động viên bơi lội sẽ bơi cả bốn kiểu theo thứ tự đã định. Thứ tự cho IM là bơi bướm, bơi ngửa, bơi ếch và bơi tự do.
Các thuật ngữ về kỹ thuật bơi
Thuôn dòng – Streamline: Tư thế cơ thể cơ bản trong bơi lội. Được thực hiện sau mỗi lần xuất phát, đạp tường và quay vòng với cả hai cánh tay duỗi thẳng và áp chặt vào mỗi bên đầu.
Thở hai bên – Bilateral Breathing: Bơi tự do thở ở cả hai bên phải và trái, thường là ba động tác tay một lần.
Xuất phát – Start: Sự khởi đầu của một cuộc đua hoặc một đợt tập luyện. Động tác nhảy chúi được sử dụng để bắt đầu một cuộc đua. Động tác đạp tường được sử dụng để bắt đầu một đợt tập luyện.
Quay vòng lộn – Flip Turn: Thực hiện động tác lộn nhào vào tường để đổi hướng (chỉ áp dụng cho bơi tự do và bơi ngửa).
Quay vòng hở – Open Turn: Dùng để đổi hướng vào tường đối với bơi ếch và bơi bướm sau khi chạm hai tay
Các thuật ngữ về dụng cụ tập luyện
Chân vịt – Fins: Dụng cụ bằng cao su được mang vào chân, vừa khớp với bàn chân của người bơi. Dùng trong tập bơi.
Phao bơi tay – Pull Buoy: Kiểu phao nổi có hình số tám, đặt giữa hai chân của bạn và ngăn bạn đá chân, giúp bạn có thể tập trung vào động tác quạt tay của mình.
Ván đập chân – Kick Board: Một dụng cụ nổi được sử dụng để người bơi tập luyện đập chân.
Kính bơi – Goggles: Kính mà người bơi đeo để giữ cho mắt không bị kích thích bởi clo trong nước, cũng như cải thiện tầm nhìn dưới nước.
Nón bơi – Cap: Nón bơi có chất liệu silicon, latex hoặc lycra che đầu để giúp tăng hiệu quả trong nước và giảm lực cản. Nón bơi có thể giữ tóc không che mặt của người bơi và có thể giúp ngăn clo làm hư tóc.
Các thuật ngữ khi tập luyện
Bài tập – Drill: Một dạng bài tập được thiết kế để cải thiện kỹ thuật của người bơi
Đập chân – Kick: Chỉ dùng chân (không quạt tay)
Quạt tay – Pull: Chỉ dùng tay (không đập chân)
Bơi vòng Tròn – Circle swimming: Bơi ở một bên làn đường để có nhiều người bơi trong làn đường. Theo quy ước thông thường, bạn sẽ luôn bơi ở bên trái làn đường cả lúc bơi lên lẫn lúc bơi về.
Vòng bơi – Lap: Một chiều dài hồ. Ví dụ, nếu bơi hồ dài 50m thì một vòng bơi (lap) là 50m; nếu bơi hồ dài 25m thì một vòng bơi (lap) là 25m. Đôi khi cũng có thể có nghĩa là bơi lên và quay lại (2 độ dài) của chiều dài hồ.