Sai lầm lớn nhất của người học bơi

Đó chính là … học bơi cấp tốc. Vì sao tôi đặt vấn đề là “học bơi cấp tốc”, chứ không phải “dạy bơi cấp tốc”? Vì theo ý kiến chung mà tôi khảo sát được, không có cầu làm sao có cung? Tức người học muốn học mau biết bơi nên các thầy cô sẽ dạy nhanh để đáp ứng yêu cầu đó. Tuy nhiên, bạn cần hiểu rằng, khi bạn yêu cầu thầy dạy nhanh để mau biết bơi, điều đó có nghĩa là bạn đã chính thức cho phép mình bơi xấu và không có được sự an toàn nước tối thiểu!

Hoc-boi-cap toc-la-cho-phep-minh-boi-xau!

Vì sao học bơi cấp tốc lại là sai lầm lớn nhất của người học bơi?

Thứ nhất: Thói quen hoạt động trên cạn làm cho bạn gặp khó khi xuống nước

Điều dễ được nhiều người công nhận nhất, đó là môi trường NƯỚC hoàn toàn khác biệt so với môi trường trên cạn, vì vậy thói quen hoạt động trên cạn làm cho bạn gặp khó khi xuống nước. Michael Phelps cũng không ngoại lệ lúc thuở ban đầu xuống nước. Như đã nói ở các bài viết trước, có 3 điều khó khi bạn xuống nước lần đầu:

Tư thế nằm ngang trong nước. Những phương giúp chúng ta định hướng không gian nhằm giữ tư thế ổn định ở tư thế đứng đều bị đảo lộn khi chúng ta thay đổi vị trí và nằm trong nước. Những gì ở bên trên khi đứng bây giờ là ở phía sau khi nằm, những gì ở phía dưới khi đứng bây giờ là ở phía trước khi nằm, loạn cả lên. Điều đó làm cho tất cả chúng ta bị mất phương hướng, lúng túng và căng thẳng. Do đó, chúng ta cần phải tạo ra một cơ sở dữ liệu mới nhằm hỗ trợ bộ não hiểu dần tư thế mới trong nước. Điều đó không khó nhưng cần thời gian. Các nước luôn xem trọng việc này và dành thời gian khá lớn lúc ban đầu để “huấn luyện lại tư thế” cho người học bơi. Nếu bạn học cấp tốc, các thầy thường lướt rất nhanh qua giai đoạn này để tập trung dạy động tác tay, chân, từ đó làm cho “thói quen cố hữu trên cạn” trở thành “thói quen xấu dưới nước” cho người học!

Thở trong nước. Trên bờ, chúng ta thường hít vào, thở ra qua mũi. Nhưng ở dưới nước, bạn lại phải tập hít vào bằng miệng, thở ra bằng cả miệng và mũi. Cứ đem thói quen “hít hà” bằng mũi xuống nước thì bạn sẽ bị sặc nước ngay. Thường thì ai mới tập cũng phải sặc nước vài lần mới nhớ. Đó là chưa kể không phải lúc nào bạn muốn thở là thở, mà phải kết hợp thở với động tác tay, chân, đầu, cổ sao cho đúng nhịp. Điều đó không khó nhưng cần thời gian. Nếu bạn học cấp tốc, bạn dễ bị “nuốt nước” khi lấy hơi.

Vận động trong nước. Trên bờ, các vận động cơ bản trong tư thế đứng thẳng ít khi sử dụng khớp vai với biên độ lớn và đặc biệt là ít sử dụng những động tác quay tay vòng tròn. Vì vậy, khớp vai của chúng ta thường không linh hoạt. Điều đó gây khó khăn ban đầu cho chúng ta trong những động tác nhấc tay khỏi mặt nước ở các kiểu bơi (trừ bơi ếch). Tuy nhiên, tập luyện sẽ giúp các khớp linh hoạt hơn. Điều đó không khó nhưng cần thời gian.

Moi-truong-nuoc-hoan-toan-khac-biet-voi-moi-truong-tren-can

Thứ hai: Cấu trúc cơ thể bạn không được thiết kế dành cho bơi lội

Gary W. Hall, Giám đốc kỹ thuật The Race Club, đã nói: “Tôi đã từng tìm kiếm xem có loài cá hay động vật có vú sống dưới nước nào gần giống với con người hay không. Cho đến nay, ngoài con sứa di chuyển chậm, tôi chưa thấy loài nào có cánh tay hoặc chân dài như con người”, và ông so sánh con người di chuyển trong nước như một cục gạch! Vì cơ thể giống như cục gạch không được thuôn dòng, chúng ta phải cố gắng chỉnh sửa các chi tiết của cơ thể để cho chúng gần hơn với tư thế thuôn dòng của loài cá, trong đó quan trọng nhất là tư thế đầu. Việc chỉnh sửa những chi tiết này cũng cần thời gian. Nếu bạn học cấp tốc, bạn sẽ bơi như một cục gạch!

Thứ ba: Học cấp tốc ảnh hưởng đến “trí nhớ cơ bắp” của bạn

Đặc điểm của học bơi là sự lập đi lập lại từng kỹ năng đến mức thuần thục rồi mới chuyển qua kỹ năng khác. Đó chính là phương pháp “xây nhà” trong bơi lội. Các khối kỹ năng này phải được đặt trên nền tảng vững chắc của khối kỹ năng trước đó mới đạt hiệu quả kết nối cao. Đập chân chưa tốt mà bơi tay liền là hỏng. Các mối liên kết “thần kinh – cơ” cần có thời gian để vận hành hợp lý, kinh tế và không truyền dẫn “lung tung”. Nếu bạn học cấp tốc, bạn không phát triển được “trí nhớ cơ bắp” của mình. Cứ học “vội vội vàng vàng” là bạn sẽ trả lại hết kỹ năng cho thầy trong một thời gian ngắn sau đó. Nói chung, trong học bơi, muốn đi nhanh, phải từ từ!

Thứ tư: “Việc tiếp xúc thường xuyên với nước chính là chìa khóa cho người mới bắt đầu”

Tiep-xuc-thuong-xuyen-voi-nuoc-chinh-la-chia-khoa-cho-nguoi-moi-bat-dauBạn đã từng nghe yếu tố exposure? Exposure được sử dụng khá phổ biến trong nhiếp ảnh, học ngoại ngữ và cả trong học bơi. Trong nhiếp ảnh, exposure là “phơi sáng”, là một yếu tố quan trọng quyết định những gì thực sự được ghi lại trên cảm biến hình ảnh của máy ảnh. Trong học ngoại ngữ, exposure là khả năng tiếp xúc hay đắm mình trong môi trường, ngữ cảnh của ngôn ngữ đó, rất quan trọng để người học có thể giao tiếp lưu loát. Trong bơi lội, exposure hiểu đơn giản là thời gian ngâm mình trong nước.

Đối với người mới học bơi, họ cần xuống nước để cảm nhận nước “vuốt ve” trên làn da của họ, để cảm nhận áp lực nước tác động lên cơ thể họ; để tập giữ thăng bằng trong mặt nước dập dềnh và để cảm nhận lực cản trong nước. Những cảm giác này chỉ có khi người học bơi ngâm nhiều trong nước. Học bơi cấp tốc làm cho người học không có được những cảm giác này.

Bạn có để ý rằng, những người học 1 buổi/ tuần sẽ lâu biết bơi hơn những người học 2 buổi/tuần hoặc 3 buổi/tuần? Đó chính là do sự tác động của yếu tố “tiếp xúc thường xuyên với nước” đó các bạn.

Ở các nước, người ta phân chia việc học bơi theo từng cấp độ giống như học ngoại ngữ vậy. Cứ túc tắc đi dần lên. Chúng ta thì chỉ bỏ ra 1 tháng học bơi hè rồi thôi, để rồi “biết mà như không biết”!

Kết luận

Thời gian là công cụ giúp bạn bơi nhẹ nhàng. Thời gian chính là bạn đồng hành giúp bạn cải thiện dần kỹ thuật của mình. Thời gian mà bạn bỏ ra ở dưới nước không phải là cái mất đi mà chính là thứ giúp bạn tích lũy kỹ năng và có được cảm giác nước.

Học bơi không phải cuộc thi tốc độ.

Những yêu cầu của người học như “Tôi muốn biết bơi nhanh trong 1 tháng”, “Tôi chỉ có 1 tháng hè để cho con đi học bơi thôi, thầy dạy nhanh cho cháu mau biết bơi” đều là những yêu cầu lệch chuẩn! Chính vì có quá nhiều yêu cầu như vậy nên hiện nay bơi chưa chuẩn là phổ biến, còn bơi chuẩn là của hiếm, là có tính cá biệt!

Ở các nước, người ta chú trọng đến việc tạo động tác đúng cơ bản ngay từ thời điểm ban đầu. Chúng ta thì cứ thích dạy nhanh và học nhanh. Chúng ta hài lòng với việc bản thân hoặc con em mình có thể bơi hết chiều dài hồ với động tác quạt tay “trượt nước”, với động tác chân đập cho có chứ chả có tác dụng gì và với thân mình xiên lệch trong nước như một cục gạch kéo lê trong nước!

Học bơi theo kiểu “mì ăn liền” không tốt. Học bơi theo kiểu “mì xào giòn” mới tốt!

Chúng ta đã sai lầm trong việc học bơi và dạy bơi quá lâu. Hãy thay đổi tư duy để thay đổi chất lượng học bơi và dạy bơi trong thời gian sắp tới nhé.

Và việc thay đổi tư duy này phải bắt đầu từ người học bơi.